[Đăng ngày: 09/01/2024]

Tải về để xem: Kế hoạch (Tổ chức thực tập và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên Khóa 44 (ngành Quản trị - Luật) và Khóa 45 (ngành Luật, ngành Luật thương mại quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh)); 2. Biểu mẫu áp dụng

1. Những quy định chung về thực tập, báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp

1.1. Thực tập tốt nghiệp

- Sinh viên hình thức đào tạo chính quy Khóa 44 (ngành Quản trị - Luật) và Khóa 45 (ngành Luật, ngành Luật thương mại quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh) chủ động liên hệ nơi thực tập. Sau thời hạn quy định, nếu sinh viên không tự liên hệ được nơi thực tập thì chủ động liên hệ Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên của Trường để được hỗ trợ, giới thiệu cho sinh viên danh sách các đơn vị có thể liên hệ để thực tập;

- Sinh viên đăng ký cơ quan thực tập theo nguyện vọng bằng cách đăng ký trực tuyến tại đường link: https://forms.gle/KrR1rF7PJjo7aEdc8, trong phiếu đăng ký phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo yêu cầu, đặc biệt phải ghi rõ “tên và địa chỉ” của cơ quan dự kiến xin thực tập, số điện thoại liên lạc của sinh viên. Trên cơ sở thông tin đăng ký nơi thực tập, Phòng Đào tạo sẽ cập nhật dữ liệu vào hệ thống quản lý đào tạo và cấp cho mỗi sinh viên một Giấy giới thiệu thực tập. Nếu sinh viên không liên hệ được nơi thực tập đã đăng ký theo Giấy giới thiệu đã được cấp thì nộp lại Giấy giới thiệu này cho Phòng Đào tạo kèm theo đơn đề nghị cấp Giấy giới thiệu thực tập mới để được cấp lại Giấy giới thiệu khác (Giấy giới thiệu lần 2);

- Những trường hợp làm thất lạc Giấy giới thiệu đã cấp nếu không có lý do chính đáng sẽ không được Phòng Đào tạo cấp lại Giấy giới thiệu;

- Khi nộp Báo cáo thực tập, sinh viên phải nộp kèm 01 bản photocopy của Giấy giới thiệu thực tập (sau khi đã có chữ ký xác nhận đồng ý tiếp nhận và đóng dấu của cơ quan tiếp nhận thực tập) để giảng viên chấm Báo cáo thực tập kiểm tra, đối chiếu sự liên quan giữa nơi thực tập với nội dung của Báo cáo thực tập;

- Việc thực tập và làm báo cáo thực tập đối với sinh viên ngành Luật của các lớp thuộc Chương trình đào tạo chất lượng cao (tăng cường tiếng Anh, tăng cường tiếng Nhật và tăng cường tiếng Pháp) sẽ do sinh viên chọn một trong 5 (năm) khoa: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Quốc tế, Luật Hình sự và Luật Hành chính;

- Việc thực tập và làm báo cáo thực tập đối với sinh viên ngành Quản trị - Luật (gồm chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao) sẽ do sinh viên chọn một trong hai ngành: Quản trị kinh doanh hoặc Luật (đối với ngành Luật, sinh viên được quyền lựa chọn làm báo cáo thực tập của một trong năm Khoa thuộc ngành Luật mà không cần phải làm đơn).

1.2. Báo cáo thực tập

- Thực hiện Thông báo số 53/TB-ĐHL ngày 16/01/2017 của Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, từ năm học 2016-2017, sinh viên đi thực tập không viết Tiểu luận tốt nghiệp theo danh mục các đề tài do Khoa đưa ra. Thay vào đó, sinh viên phải làm Báo cáo thực tập cuối khóa, với khối lượng kiến thức được đánh giá là 2 tín chỉ hoặc 3 tín chỉ (tùy chương trình đào tạo).

- Các Khoa xây dựng Hướng dẫn viết báo cáo thực tập cuối khóa cho sinh viên Khoa mình và công bố để sinh viên biết trước ngày 01/3/2024 (thứ 6);

- Sinh viên ngành Luật (gồm chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao) viết báo cáo thực tập thuộc lĩnh vực chuyên môn của Khoa nào thì phải tuân thủ theo các tiêu chí và yêu cầu của Khoa đó. Trường hợp sinh viên viết báo cáo thực tập có nội dung thuộc chuyên môn của liên Khoa thì phải nêu rõ: báo cáo này được viết theo các tiêu chí và yêu cầu của Khoa nào. Ví dụ: sinh viên Khoa Luật Thương mại viết báo cáo thực tập có nội dung là tranh chấp hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp này, sinh viên phải nêu rõ là bản báo cáo này được viết theo các tiêu chí và yêu cầu của Khoa Luật Thương mại hay Khoa Luật Quốc tế;

- Sinh viên theo học chương trình đào tạo đại trà thuộc Khoa nào quản lý (hoặc sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao chọn viết báo cáo thực tập thuộc lĩnh vực chuyên môn của Khoa nào quản lý) thì nộp báo cáo thực tập cho Khoa đó. Khi đó, nếu có sinh viên làm báo cáo thực tập có nội dung không thuộc chuyên môn của Khoa mình phụ trách thì lãnh đạo Khoa chuyển báo cáo này đến Khoa có chuyên môn để lãnh đạo Khoa này phân công giảng viên chấm; nhận lại kết quả từ giảng viên của Khoa có chuyên môn để công bố điểm cho sinh viên.

1.3. Khóa luận tốt nghiệp

1.3.1. Điều kiện để sinh viên được làm khóa luận tốt nghiệp

- Tính đến hết học kỳ 2 năm học 2022-2023, sinh viên phải tích lũy đủ và đạt số tín chỉ đã được Nhà trường bố trí học theo quy định của từng chương trình đào tạo;

- Điểm trung bình chung tích lũy (theo thang điểm 4) tính đến hết học kỳ 2 năm học 2022-2023 (bao gồm cả các học phần học lại, học cải thiện) đạt từ 3,15 trở lên;

- Không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp không phải đi thực tập, viết báo cáo thực tập và học, thi học phần kỹ năng, học phần chuyên môn thay thế cho các môn thi tốt nghiệp.

Khi có đủ các điều kiện nêu trên nhưng sinh viên không có nguyện vọng làm khóa luận tốt nghiệp thì làm đơn gửi đến Phòng Đào tạo (qua email của thầy Nguyễn Quốc Hùng: nqhung@hcmulaw.edu.vn; lưu ý: khi gửi email đến Phòng Đào tạo, sinh viên phải sử dụng email của mình được Trường cấp; trường hợp quên mật khẩu, sinh viên vui lòng liên hệ với thầy Lê Viết Phụng (lvphung@hcmulaw.edu.vn) để được hướng dẫn và cấp lại mật khẩu) trước ngày 19/02/2024 (thứ 2) và thực hiện việc đăng ký thực tập; học và thi các học phần kỹ năng, học phần chuyên môn theo Thông báo số 14/TB-ĐHL ngày 08/01/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh về học và thi các học phần chuyên môn thay thế cho các môn thi tốt nghiệp.

1.3.2. Đề tài khóa luận tốt nghiệp

a) Đối với sinh viên theo học chương trình đào tạo đại trà

- Sinh viên có đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp thực hiện việc chọn đề tài và đăng ký đề tài với Khoa mà sinh viên theo học. Riêng sinh viên ngành Quản trị - Luật được chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp của một trong hai ngành: Quản trị kinh doanh hoặc Luật (đối với ngành Luật, sinh viên được chọn đề tài của một trong năm Khoa thuộc ngành Luật);

- Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Anh; sinh viên các ngành còn lại viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Việt;

- Sinh viên ngành Luật muốn chọn đề tài của Khoa khác với Khoa mình theo học thì nhất thiết phải được lãnh đạo của hai Khoa chấp thuận;

- Các Khoa dựa trên số lượng sinh viên được xét làm khóa luận tốt nghiệp để ra đề tài và công bố cho sinh viên biết và đăng ký;

- Khóa luận tốt nghiệp phải được trình bày theo đúng quy định về phông chữ, cỡ chữ, khổ giấy, bìa, cách bố trí và số trang quy định tối thiểu là 40 trang (các Khoa hướng dẫn cụ thể và công bố cho sinh viên biết trước ngày 19/02/2024).

b) Đối với sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao

- Sinh viên có đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp thực hiện việc chọn đề tài và đăng ký đề tài với Trung tâm Quản lý Đào tạo chất lượng cao và Đào tạo quốc tế, sau đây gọi tắt là Trung tâm. Riêng sinh viên chất lượng cao ngành Quản trị - Luật được chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp của một trong hai ngành: Quản trị kinh doanh hoặc Luật (đối với ngành Luật, sinh viên được chọn đề tài của một trong năm Khoa thuộc ngành Luật);

- Sinh viên chất lượng cao ngành Luật tham khảo đề tài khóa luận tốt nghiệp của một trong năm Khoa thuộc ngành Luật để chọn đề tài và đăng ký đề tài;

- Sinh viên chất lượng cao chỉ được lựa chọn một ngôn ngữ là tiếng Việt hoặc tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp, áp dụng đối với sinh viên lớp tăng cường tiếng Pháp) để viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Trường hợp sinh viên chọn ngôn ngữ là tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) thì phải lựa chọn từ danh mục đề tài của các Khoa và đăng ký với cô Huỳnh Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm, Phòng A.212) trước ngày 19/02/2024; nếu chọn đề tài không có trong danh mục do các Khoa công bố thì phải làm đơn đề xuất tên đề tài dự định nghiên cứu, kèm theo đề cương ngắn gọn gửi Trung tâm trước ngày 19/02/2024 (thứ 2).

Căn cứ tình hình thực tế, Giám đốc Trung tâm sẽ xem xét và quyết định việc chấp thuận hay không chấp thuận và hướng dẫn sinh viên chọn đề tài khác để viết khóa luận.

- Sinh viên lớp tăng cường tiếng Nhật chỉ được lựa chọn ngôn ngữ tiếng Việt để viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.

* Lưu ý: Sau khi đăng ký đề tài khóa luận và nhận phân công giảng viên hướng dẫn từ lãnh đạo Khoa, sinh viên cập nhật các thông tin này vào đường link: https://forms.gle/pMqYytZqPcKXaa9b6, trước ngày 08/03/2024 (thứ 6).

2. Kế hoạch cụ thể

2.1. Thực tập tốt nghiệp

- Từ ngày 08/01/2024 đến hết ngày 17/01/2024 (thứ 4) sinh viên thực hiện việc đăng ký cơ quan thực tập hoặc cơ quan dự kiến có nguyện vọng xin thực tập theo đường link: https://forms.gle/KrR1rF7PJjo7aEdc8. Một số lưu ý:

(i) Trường hợp sinh viên đăng ký nhiều lần, Trường chỉ ghi nhận và xử lý kết quả đăng ký nơi thực tập của lần đăng ký cuối cùng;

(ii) Trường hợp sinh viên đã đăng ký thực tập, nhưng sau đó được Trường công bố đủ điều kiện được làm khóa luận tốt nghiệp thì kết quả đăng ký thực tập sẽ mặc định bị hủy bỏ, trừ trường hợp sinh viên có nguyện vọng đi thực tập thì phải thực hiện việc đăng ký thực tập; học và thi các học phần kỹ năng, học phần chuyên môn theo quy định tại mục 1.3.1 nêu trên.

- Ngày 24/01/2024 (thứ 4): bắt đầu từ 10g00’ sáng, tại Phòng Đào tạo (cơ sở Nguyễn Tất Thành), Lớp trưởng nhận Giấy giới thiệu thực tập cho những sinh viên đã đăng ký trước ngày 17/01/2024 theo kế hoạch và sau đó phát ngay cho sinh viên lớp mình để liên hệ nơi thực tập theo nguyện vọng đã đăng ký;

- Từ ngày 24/01/2024 đến ngày 15/3/2024 (thứ 6): sinh viên tự liên hệ nơi thực tập;

- Trước ngày 01/3/2024: các Khoa công bố cho sinh viên biết về Kế hoạch thực tập và các yêu cầu, tiêu chí đánh giá Báo cáo thực tập để sinh viên biết và lựa chọn;

- Chậm nhất là ngày 15/3/2024, trợ lý Khoa gửi Kế hoạch thực tập (bản giấy hoặc bản scan có chữ ký xác nhận của lãnh đạo Khoa và file mềm qua email: lvhien@hcmulaw.edu.vn và ptdung@hcmulaw.edu.vn) cho Phòng Đào tạo;

- Từ ngày 18/3/2024 đến ngày 22/3/2024: sinh viên chuẩn bị đi thực tập và điều chỉnh sai sót liên quan đến vấn đề thực tập (nếu có);

Trường hợp muốn thay đổi nơi thực tập sau khi sinh viên “đã có xác nhận của cơ quan tiếp nhận thực tập” thì để được cấp đổi Giấy giới thiệu thực tập, sinh viên phải có xác nhận lại của cơ quan đã tiếp nhận thực tập với nội dung: đồng ý cho sinh viên thay đổi nơi thực tập và phải có “chữ ký và đóng dấu lên chữ ký” của người có thẩm quyền của cơ quan đã tiếp nhận thực tập.

- Từ ngày 25/3/2024 đến ngày 07/6/2024: sinh viên đi thực tập. Trong thời gian này sinh viên phải hoàn thành Báo cáo thực tập theo yêu cầu của Khoa. Thời gian thực tập cụ thể của từng lớp như sau:

+ Từ ngày 25/3/2024 đến ngày 07/6/2024:

○ Lớp Quốc tế K45;

○ Lớp LE K45;

○ Lớp Luật thương mại quốc tế K45B.

+ Từ ngày 01/4/2024 đến ngày 07/6/2024:

○ Lớp Chất lượng cao Quản trị - Luật K44;

○ Lớp Chất lượng cao Quản trị kinh doanh K45;

○ Lớp Chất lượng cao K45A, K45B, K45C và K45D;

○ Lớp Hành chính K45B;

○ Lớp Luật thương mại quốc tế K45A.

+ Từ ngày 08/4/2024 đến ngày 07/6/2024:

○ Lớp Thương mại K45;

○ Lớp Dân sự K45;

○ Lớp Hành chính K45A;

○ Lớp AUF K45.

+ Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 07/6/2024:

○ Lớp Quản trị - Luật K44;

○ Lớp Quản trị kinh doanh K45;

○ Lớp Hình sự K45;

○ Lớp CJL K45.

- Thời gian và địa điểm nộp báo cáo thực tập: ngày 12/6/2024 (thứ 4) tại Văn phòng khoa theo quy định tại mục 1.2.

2.2. Khóa luận tốt nghiệp

- Ngày 15/01/2024: Phòng Đào tạo công bố danh sách sinh viên dự kiến đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp;

- Ngày 19/02/2024: Phòng Đào tạo công bố danh sách sinh viên chính thức đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp;

- Từ ngày 18/01/2024 đến ngày 19/02/2024: các Khoa công bố đề tài khóa luận tốt nghiệp để sinh viên đăng ký; hạn chót sinh viên đăng ký: ngày 23/02/2024 (thứ 6);

- Từ ngày 26/02/2024 đến ngày 07/6/2024: sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp;

- Ngày 12/6/2024 (thứ 4): nộp khóa luận tốt nghiệp tại cơ sở Nguyễn Tất Thành:

+ Văn phòng Khoa: sinh viên theo học chương trình đào tạo đại trà;

+ Trung tâm Quản lý Đào tạo chất lượng cao và Đào tạo quốc tế: sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao.

- Ngày 20/6/2024 và/ hoặc ngày 21/6/2024: các Khoa tổ chức cho sinh viên theo học chương trình đào tạo đại trà bảo vệ khóa luận tốt nghiệp;

- Ngày 22/6/2024 và/ hoặc ngày 23/6/2024: Trung tâm Quản lý Đào tạo chất lượng cao và Đào tạo quốc tế tổ chức cho sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.

3. Về việc nộp chứng chỉ TOEIC quốc tế (hoặc chuẩn quốc tế tương đương)

a) Để được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân, trình độ tiếng Anh (hoặc Ngoại ngữ thứ 2) của sinh viên phải đạt chuẩn TOEIC quốc tế (hoặc TOEFL, IELTS tương đương) trong thời hạn 02 năm, tính đến ngày 23/6/2024, sau đây:

- Đối với sinh viên ngành Quản trị - Luật Khóa 44:

○ Lớp đại trà: tối thiểu 500 điểm;

○ Lớp chất lượng cao: tối thiểu 600 điểm.

- Đối với sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Khóa 45:

○ Lớp đại trà: tối thiểu 550 điểm;

○ Lớp chất lượng cao: tối thiểu 650 điểm.

- Đối với sinh viên ngành Luật Khóa 45:

○ Khoa Luật Hình sự và Hành chính: tối thiểu 500 điểm;

○ Khoa Luật Dân sự và Quốc tế: tối thiểu 520 điểm;

○ Khoa Luật Thương mại: tối thiểu 550 điểm;

○ Lớp Chất lượng cao (gồm nhóm chuyên ngành Luật Thương mại - Dân sự - Quốc tế; và nhóm chuyên ngành Hành chính - Tư pháp): tối thiểu 650 điểm;

○ Lớp Chất lượng cao, tăng cường tiếng Pháp (AUF): tối thiểu DELF-B1;

○ Lớp Chất lượng cao, tăng cường tiếng Nhật: tối thiểu JLPT3 - N3.

- Đối với sinh viên ngành Luật thương mại quốc tế Khóa 45: tối thiểu 550 điểm;

- Đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý Khóa 45: chuẩn năng lực ngoại ngữ phải đạt trình độ như sau:

(i) Tiếng Anh: đạt từ 6,5 IELTS trở lên (hoặc TOEFL iBT đạt 81 điểm trở lên; hoặc TOEIC đạt 700 điểm trở lên);

(ii) Ngoại ngữ thứ 2: có một trong sáu thứ tiếng đạt trình độ:

○ Tiếng Pháp: đạt từ DELF-A2 trở lên;

○ Tiếng Nhật: đạt từ JLPT-N4 trở lên;

○ Tiếng Nga: đạt từ TRKI-1 trở lên;

○ Tiếng Trung: đạt từ HSK-3 trở lên;

○ Tiếng Đức: đạt từ ZD trở lên;

○ Tiếng Hàn: đạt từ KLPT I-2 hoặc KLAT I-2 hoặc TOPIK I-2 trở lên.

○ Nếu sinh viên không đạt năng lực Ngoại ngữ thứ 2 của một trong sáu thứ tiếng theo quy định nêu trên thì chuẩn trình độ tiếng Anh phải đạt từ 7,0 IELTS trở lên.

b) Thời gian và địa điểm nộp phiếu điểm, chứng chỉ:

- Thời gian: từ ngày 18/3/2024 đến ngày 21/6/2024 (thứ 6);

- Địa điểm: Phòng Đào tạo (A.102), số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4.

Lưu ý:

○ Sinh viên dự thi TOEIC quốc tế được IIG Việt Nam tổ chức thi tại Trường nếu có kết quả thi đạt chuẩn đầu ra trước ngày 23/6/2024 thì không phải nộp lại phiếu điểm; riêng sinh viên thuộc 2 trường hợp sau đây thì bắt buộc phải nộp bản photocopy kèm bản chính để đối chiếu:

(i) Sinh viên dự thi tại Trường nhưng nhận phiếu điểm tại IIG Việt Nam;

(ii) Sinh viên đã đạt chuẩn đầu ra trước ngày 23/6/2024 nhưng còn nợ học phần nên chưa được xét công nhận tốt nghiệp đợt chính khóa.

○ Sinh viên có kết quả thi TOEIC quốc tế đạt chuẩn đầu ra sau ngày 23/6/2024 thì bắt buộc phải nộp bản photocopy kèm bản chính để đối chiếu.

4. Về việc nộp chứng chỉ MOS-Word: Đối với sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao, để được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân, sinh viên còn phải đạt trình độ tin học MOS-Word. Thời gian và địa điểm nộp phiếu điểm, chứng chỉ này như sau:

- Thời gian: từ ngày 18/3/2024 đến ngày 21/6/2024 (thứ 6);

- Địa điểm: Phòng Đào tạo (A.102), số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4.

5. Về việc nộp điểm thưởng nghiên cứu khoa học để cộng vào điểm trung bình tích lũy toàn khóa học: sinh viên đạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” thuộc diện được cộng điểm thưởng này vào điểm trung bình tích lũy toàn khóa nộp quyết định cho Phòng Đào tạo theo thời gian và địa điểm như sau:

a) Thời gian: từ ngày 18/3/2024 đến ngày 21/6/2024 (thứ 6);

b) Địa điểm: Phòng Đào tạo (A.102), số 02 Nguyễn Tất Thành, P.13, Quận 4.

6. Công nhận tốt nghiệp

6.1. Sinh viên thuộc các ngành, chương trình đào tạo có đủ các điều kiện sau đây sẽ được Hiệu trưởng công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân trình độ đại học:

- Tích lũy đủ số tín chỉ quy định của khóa học đối với từng chương trình đào tạo (bao gồm cả số tín chỉ của các học phần điều kiện: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh và ngoại ngữ; riêng sinh viên Lớp chất lượng cao còn phải có chứng chỉ tin học MOS-Word);

- Không còn học phần bị điểm F;

- Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên (theo thang điểm 4); riêng sinh viên các lớp thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao phải đạt từ 2,50 trở lên (theo thang điểm 4);

- Đạt chuẩn trình độ tiếng Anh (hoặc/và Ngoại ngữ 2) và tin học theo quy định tại mục 3 và mục 4 đối với từng ngành, chương trình đào tạo;

- Tích lũy đủ và đạt số tín chỉ của các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - an ninh;

- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức đình chỉ học tập.

Hạng tốt nghiệp của sinh viên có kết quả học tập toàn khóa đạt loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một bậc nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau đây:

+ Có số tín chỉ của các học phần phải học lại hoặc học cải thiện điểm vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình đào tạo;

+ Đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

6.2. Trường hợp sinh viên (bao gồm cả sinh viên theo học chương trình đào tạo đại trà và chất lượng cao) có đủ các điều kiện để được xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân trình độ đại học được nêu tại mục 5.1 nhưng trong học kỳ 2 năm học 2023-2024 có học phần học cải thiện điểm chưa có kết quả thi hoặc có nguyện vọng sẽ đăng ký học cải thiện điểm từ học kỳ 1 năm học 2024-2025 để thay đổi hạng tốt nghiệp thì bắt buộc phải làm đơn đề nghị hoãn xét công nhận tốt nghiệp, nộp cho Phòng Đào tạo trước ngày 21/6/2024 (thứ 6).

6.3. Sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc các trường hợp sau đây nếu có nguyện vọng được xét công nhận tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân theo chương trình đào tạo đại trà thì làm đơn đề nghị, nộp cho Phòng Đào tạo trước ngày 21/6/2024 (thứ 6):

(i) Có điểm trung bình tích lũy toàn khóa học đạt từ 2,00 đến 2,49;

(ii) Chưa có phiếu điểm, chứng chỉ MOS-Word;

(iii) Chưa đạt chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, nhưng đã đạt chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh đối với chương trình đào tạo đại trà (xét theo chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh của Khoa mà sinh viên đã được Trường công bố vào đầu khóa học).

7. Chi phí làm bằng, Lễ tốt nghiệp và Lễ phục tốt nghiệp

- Chi phí quản lý hành chính về thực tập, làm khóa luận và làm bằng tốt nghiệp đại học: 150.000đ/ sinh viên; riêng sinh viên ngành Quản trị - Luật: 250.000đ/ sinh viên (nhận 2 văn bằng);

- Chi phí về Lễ tốt nghiệp và Lễ phục tốt nghiệp sẽ được Phòng Công tác sinh viên thông báo sau;

- Trước ngày 23/01/2024 (thứ 3): sinh viên nộp lệ phí cho Lớp trưởng;

- Trước ngày 24/01/2024 (thứ 4): lớp trưởng nộp lại lệ phí cho Phòng Đào tạo để nhận Giấy giới thiệu thực tập của Lớp;

- Lễ bế giảng và phát bằng tốt nghiệp: dự kiến sau ngày 10/8/2024./.

Các tin khác :
Trường Đại Học Luật Tp. HCM
Trụ sở: 02 Nguyễn Tất Thành - Phường 12 - Quận 4 - TP.Hồ Chí Minh
Cơ sở 2: 123 Quốc lộ 13 - Phường Hiệp Bình Chánh - Quận Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh
Lượt truy cập : 7122504
Đang online : 255
Bản quyền (C) 2009 thuộc Đại học Luật TP.HCM - Phát triển bởi PSC